Tâm sự chuyện dân ngành không về quê ăn Tết mới nhất


Vì sao bạn không về nhà trong dịp Tết?

Khi đặt câu hỏi này cho nhân sự ngành dịch vụ khách sạn – sẽ có nhiều lý do khác nhau. Và bất giác, sau mỗi câu trả lời, chẳng ai kìm lòng được mà không buông tiếng thở dài vô thức.

Trở thành Hotelier – dân ngành khách sạn, bạn chấp nhận thực tế phải làm việc theo ca kíp và cả trong ngày nghỉ – lễ Tết. Giờ người ta đi ngủ – bạn vẫn mải mê bưng bê chén dĩa khách vừa dùng xong đi rửa, tỉ mẩn lau từng chiếc muỗng nĩa chuẩn bị cho tiệc banquet ngày mai. Cuối tuần người ta đi chơi – bạn vẫn hì hục lau dọn phòng thật tinh tươm chào đón những “Thượng đế” mới. Lễ Tết người ta khăn gói về nhà – bạn vẫn đứng đó, sau quầy lễ tân quen thuộc, mướt mồ hôi check-in cho hàng dài khách nước ngoài đi nghỉ dưỡng.

Tâm sự chuyện dân ngành không về quê ăn Tết

Ấy là tính chất công việc đặc thù của ngành khách sạn. Kiểu như muốn thành bác sĩ phải không sợ máu, mê làm cảnh sát hình sự phải giỏi võ hay thích làm MC phải tự tin trước đám đông. Chọn công việc nào trong xã hội thì người làm nghề tiên quyết phải đáp ứng được điều kiện cần đó.

Thế nhưng, đôi khi nghĩ lại cũng chạnh lòng. Trong không khí “tiếng pháo vui vang đó đây ôi rộn ràng” – chuyện không được về quê ăn Tết cùng gia đình khiến không ít nhân viên khách sạn làm việc xa quê cảm thấy ngậm ngùi. Bởi không ai muốn một mình khi người người nhà nhà quây quần, cười đùa vui vẻ bên nhau – thưởng thức những món ngon chuẩn vị mẹ nấu.

Mà biết làm sao được? Thôi thì cộng đồng mình cùng động viên và tâm sự nhau nghe “chuyện dân ngành không về quê ăn Tết”…


Câu chuyện số 1 – Cô Waitress quyết tâm không khóc đêm giao thừa

Khánh Huyền là sinh viên chuyên ngành Quản trị nhà hàng khách sạn vừa ra trường. Tính cả thời gian làm thêm khi còn học Cao đẳng, tuổi nghề của cô gái người Lâm Đồng đã gần 2 năm.

Huyền hiện đang là Waitress tại nhà hàng Buffet của một khách sạn 5 sao ở Sài Gòn. Làm việc cho khách sạn lớn, lại trong mùa cao điểm – cho nên, dù là Tết thì những nhân viên chính thức như Huyền vẫn chia ca nhau làm việc xuyên Tết. Sau “21 nồi bánh chưng” – năm nay là năm đầu Huyền không về quê ăn Tết.

“Chọn ngành này biết trước tính chất công việc ngày lễ Tết phải đi làm nhưng mình rất buồn khi gọi điện thoại về báo với bố mẹ Tết nay con không về. Bố mẹ cũng buồn mà tỏ vẻ không sao thôi”…

Tâm sự chuyện dân ngành không về quê ăn Tết

“Tết có được thêm bao nhiêu tiền thì cũng đâu bằng việc được ở bên gia đình. Mà đã chọn công việc vậy rồi nên phải chấp nhận thôi. Vào những ngày không khí rộn ràng như thế này, ra ca đi siêu thị mua đồ ăn thấy người ta bán đồ Tết, mình cảm thấy rất tủi thân…”

Không tủi thân sao được khi trong ký ức của Huyền, dịp cận kề năm mới như thế này, sẽ cùng mẹ và chị em vui vẻ đi chợ sắm đồ. Cùng bố mẹ dọn dẹp, trang trí tết, gói bánh. Đêm 30 thức đón giao thừa, đợi 12h xong nghi thức xông đất đầu năm sẽ được bố mẹ lì xì. Sáng mùng 1 cùng cả nhà đi chúc Tết họ hàng…

Tâm sự chuyện dân ngành không về quê ăn Tết

Là năm đầu tiên không về nhà đón Tết nên Huyền vẫn chưa mường tượng và cũng “không dám nghĩ” mình sẽ trải qua một cái Tết xa gia đình là như thế nào. Bởi với cô gái trẻ này – mọi điều vẫn còn quá mới mẻ. “Chân ướt chân ráo” ra nghề và vào đời, Huyền tâm sự đôi khi cảm thấy mình lạc lõng quá, chỉ muốn được về nhà, nằm ngủ trong vòng tay mẹ, muốn được làm một đứa trẻ con như ngày nào để không phải tự mình chống chọi mọi thứ…

Dù có lúc suy nghĩ yếu mềm là thế, nhưng khi nghe anh chị đồng nghiệp đi trước kể lại rằng: “Vào đêm giao thừa mọi người khóc quá trời vì nhớ nhà” – Huyền vẫn tự dặn lòng mạnh mẽ lên – “Sẽ cố gắng không khóc”. Vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, nhìn cảnh pháo hoa rợp trời, cảm xúc thường dễ dâng trào thành tiếng nấc thổn thức. Thôi thì cứ để tự nhiên cho con tim được lên tiếng – để mình được là chính mình – nhé cô gái nhỏ!

Tâm sự chuyện dân ngành không về quê ăn Tết


Câu chuyện số 2 – Chàng lễ tân “đau đầu” với câu hỏi “What is Tet?”

Với Hoàng Đức – sinh ra và lớn lên tại Tp. Hồ Chí Minh thì đây là năm thứ 3 đón Tết ở Phú Quốc. Sau khi học xong cấp 3 – Đức bắt đầu đi làm cho hệ thống siêu thị tiện lợi trong khoảng thời gian 5 năm. Gặp phải cú sốc tuổi 25, chàng trai thành thị quyết định ra đảo làm việc từ tháng 12/2017.

Vì thế, Đức là dân tay ngang nghề khách sạn chính hiệu. “Lúc ra đảo tìm việc, mình may mắn phỏng vấn đậu vị trí lễ tân tại 1 resort nhỏ – công việc không liên quan gì đến việc mình từng làm. Ngày bắt đầu vào nhận việc, mình hơi bị choáng ngợp vì gặp toàn khách nước ngoài trong khi không giỏi giao tiếp bằng tiếng Anh. Thế mà mình vẫn làm được, mình tập nghe, tập nói và dần dần có thể giao tiếp với khách. Một thân một mình ra đây, lúc đầu còn có thằng bạn thân, đi đâu cũng có nhau cho bớt nỗi nhớ nhà.”

Về lý do 3 năm liên tiếp không về nhà dịp Tết, Đức chia sẻ: “Thật ra, từ lúc mình đi làm đến giờ, mình thấy Tết là ngày tranh thủ kiếm thêm tiền, nên vẫn đăng ký đi làm. Mà chi phí từ Phú Quốc về Sài Gòn dịp cao điểm cũng không rẻ, chi bằng mình gửi tiền về cho gia đình thì chi phí sẽ ít hơn. Mặc dù thực sự mình cũng muốn về.”

Trong ký ức của Đức, Tết ở Sài Gòn cũng “khá là thú vị đấy”. “Nhà mình ở quận 7 – nơi có khu chế xuất quy mô khá lớn ở Sài Gòn. Ngày thường rất đông đúc vì có nhiều công nhân. Còn dịp cận Tết, đường phố trở nên yên bình khác lạ nên mình rất thích. Con đường mà bình thường nhiều người qua lại nay bỗng vắng hoe. Và gần khu mình ở cũng có bờ kè, nhiều tàu bè cập bến, họ dọn hoa bán tết đầy 2 bên đường. Vào ngày đó dù không có việc gì nhưng mình cũng tìm cớ chạy ngang chỉ vì muốn ngắm nhìn đường hoa Tết. Mình biết khung cảnh ấy chỉ có được vài ngày thôi vì họ phải dọn sạch trước đêm 30.”

Tâm sự chuyện dân ngành không về quê ăn Tết

Vì là con trai, cộng thêm việc thích nghi tốt môi trường sống ở Phú Quốc nên chuyện một mình đón tết xa nhà với Hoàng Đức dần rồi cũng quen. “Còn nhớ đêm 30 đầu tiên ở đảo, bữa ấy mình làm đến 10h mới tan ca, nhưng ở đảo thì khác xa so với thành thị, không có cái không khí bận rộn – hối hả cho ngày Tết sắp đến. Đêm 30 ở đảo cũng êm đềm như ngày bình thường. Dự định của mình là sẽ đi xem pháo bông ở đây để xem có khác gì so với Sài Gòn không, nhưng đã bị thằng bạn bắt dọn phòng, rồi đến lỡ sự kiện ấy trong sự tiếc nuối. Và cái Tết thứ 2 đến, đêm giao thừa mình ngồi ở sảnh trực – nghe tiếng pháo cách tận 10km, lòng tự nhiên bồi hồi lạ kỳ…”.

Đi làm trong dịp Tết, điều khiến anh chàng lễ tân này đau đầu chính là việc trả lời câu hỏi “What is Tet?” của nhiều khách lưu trú nước ngoài. Phần đông khách quốc tế đều đón Tết dương lịch nên “đối với Tết âm thì mình phải giải thích để họ hiểu đây là ngày tết cổ truyền của Việt Nam, nhiều khi giải thích nhiều quá – họ vẫn chưa hiểu thì mình mới nói hao hao ngày Tết ở Trung Quốc, ấy mà họ lại hiểu.”

Một mình đón Tết xa nhà, nên vào những ngày này hai năm qua, tan ca là anh chàng lại đi lòng vòng ngắm nhìn cuộc sống ở đảo, rồi tìm đến các thú vui như là: tập gym, bơi, câu cá hay chụp ảnh. Resort 4 sao hiện đang làm việc nằm ở phía Tây đảo nên Hoàng Đức tha hồ chụp cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp ở Phú Quốc. Ấy cũng là cách tận hưởng Tết của dân ngành…

Tâm sự chuyện dân ngành không về quê ăn Tết


Nếu được chọn lại, bạn có quyết định thay đổi nghề nghiệp?

Khi đặt câu hỏi này cho 2 nhân sự nghề trên đây, câu trả lời người viết nhận được đều là “Không”. Khánh Huyền: “Chắc vẫn theo. Vì mình chưa tìm được việc khác phù hợp hơn”. Hoàng Đức: “Mình hối tiếc là không biết đến nghề khách sạn sớm hơn ấy chứ.” Hai câu trả lời này có thể không đại diện cho tiếng nói số đông nhưng bạn có lựa chọn nào tốt hơn hiện tại?

Theo nghiệp khách sạn, nhân sự nghề sẽ đánh đổi nhiều thứ. Không được ở bên gia đình vào dịp Tết là “cái mất” đầy nuối tiếc. Nhưng những điều Hotelier “có được” từ nghề cũng vô cùng quý giá mà chẳng có trường lớp hay nghề nghiệp nào dạy bạn tốt hơn. Huyền tâm sự rằng, “từ lúc làm nghề đến nay, mình lớn hơn trong suy nghĩ, được học thêm nhiều điều, được làm việc trong môi trường 5 sao, mất đi bản tính trẻ con – dễ cáu. Công nhận nghề dạy mình trưởng thành hơn từng ngày”. Còn với anh chàng lễ tân ở Phú Quốc, “từ khi ra đây sống, mình cảm thấy giỏi giang hơn hẳn, giống như dậy thì lần 2 vậy. Học thêm được nhiều điều mới trong công việc – cuộc sống, làm những điều chưa từng làm. Và cái mình phổng mũi nhất là có thể nghe nói được tiếng Anh, dù chưa thực sự tốt nhưng mình làm được”.

Chắc chắn một điều là ai theo nghề khách sạn cũng đều cảm nhận được rằng mình trưởng thành hơn theo thời gian. Không chỉ về kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp mà còn cả vốn sống. Bởi môi trường làm việc trong khách sạn hệt như một xã hội thu nhỏ – giúp rèn giũa tính cách người làm nghề theo hướng tích cực cho tương lai.

– Gặp khách dở hơi – nghề dạy bạn biết nhu – cương đúng lúc.

– Gặp khách khó tính – nghề dạy bạn chỉn chu chưa bao giờ là thừa.

– Gặp khách dễ thương – nghề cho bạn nhiều người bạn mới.

Xem ra, Hotelier cũng “được” kha khá từ nghề…

Tâm sự chuyện dân ngành không về quê ăn Tết


“Vì Tết mà – đừng để mình cô đơn!”

Về quê ăn Tết cùng gia đình là thói quen, là “cái nếp” của nhiều người Việt làm ăn xa xứ. Ngược với số đông, nếu bạn là một dân ngành, Tết này không được tề tựu cạnh người thân – vẫn biết có cái gì đó khang khác trong lòng; nhưng thay vì buồn rầu – sao không thử góp nhặt niềm vui nho nhỏ quanh mình?

Nhiệt tình cùng đồng nghiệp tham gia các hoạt động mừng Tết tại khách sạn. Chơi những trò chơi dân gian. Rủ đi ngắm hội hoa xuân. Nấu cho nhau thưởng thức món tết đặc trưng xứ sở… Biết đâu, đó lại là cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu để các Hotelier còn lẻ bóng – thoát cái mác FA đeo đuổi bấy lâu. Vì Tết mà, ai cũng sẽ rộng lượng, chia sẻ thật lòng cho bất kỳ ai. Hay có thể rủ khách lưu trú đi du lịch một mình cùng khám phá những điểm đến thú vị nơi mảnh đất ở đã lâu – nhưng chưa biết nhiều. “Vì mùa xuân mà – đừng để mình cô đơn!”

 

“Con biết bây giờ mẹ chờ em trông

Nhưng nếu con về bạn bè thương mong

Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường

Không lẽ riêng mình êm ấm

Mẹ ơi con xuân này vắng nhà

Mẹ thương con xin đợi ngày mai…”

Xin được mượn ca từ của ca khúc “Xuân này con không về” tạm khép lại bài viết. Hẹn Mẹ ngày mai – ngày mà Con trở thành một Nhà Quản lý khách sạn để đường đường chính chính được nghỉ về quê ăn Tết cùng cả nhà…

Viết bài: Xanh Berin

Thiết kế: Đức Cường

BForum - The world's leading Blockchain Forum mywebsite.vn