[Tổng hợp] Tất tần tật thông tin xác thực cần biết về dịch viêm phổi Corona
Câu trả lời chắc chắn sẽ được giải đáp ngay sau khi copy – paste rồi search Google. Rõ ràng, Hoteljob.vn đã có không dưới 2 bài nêu rõ và khuyến cáo cũng như hướng dẫn dân ngành nên chọn loại khẩu trang nào hay đeo thế nào để có hiệu quả phòng dịch tốt nhất. Tuy nhiên, tâm lý chung của con người luôn sợ hãi trước những lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Nạn viêm đường hô hấp do virus Corona càng đáng sợ hơn khi có thể lây từ người sang người nếu tiếp xúc gần – bị bám hạt/ bọt do người bệnh hắt hơi, ho, nói chuyện – dùng tay không sạch, chứa mầm bệnh chạm vào mũi, miệng – ủ bệnh hoặc nhiễm bệnh nhưng không cách ly mà tiếp tục lây nhiễm sang nhiều người khác (có thể do không biết)… Dẫn chứng chân thật và nguy cấp nhất là nữ lễ tân khách sạn tại Nha Trang dương tính với virus Corona vì tiếp xúc với bệnh nhân người Trung Quốc. Trời ơi là đáng sợ!
Trong khi nhiều khách sạn trên cả nước, cả những nơi 5 sao cao cấp, chuẩn dịch vụ đã đồng ý cho nhân viên của mình đeo khẩu trang từ nhiều ngày qua, thì vẫn còn không ít bộ phận quản lý nhất quyết không ra quyết định này. Lý do thì nhiều. Khách quan – chủ quan, hợp lý – bất hợp lý có đủ. Thế nhưng, vô tình tạo nên sự chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ vì nhiều Hotelier hình thành cảm giác mình không được “bảo vệ” trong chính tập thể mình thương yêu. Cứ tưởng tượng, ngày ngày đến chỗ làm, phục vụ hàng trăm khách, tiếp xúc hàng chục anh chị em đồng nghiệp, hàng ngàn vi khuẩn có thể có trong không khí có thể bị bắn ra từ bất cứ ai, trong tình trạng sức khỏe như thế nào… Vậy nên, tâm lý chung của nhiều dân ngành vẫn mong muốn được đeo khẩu trang hợp pháp, tại các thời điểm cần thiết trong ca – kết hợp với rửa tay bằng dung dịch chứa cồn đúng cách, đúng thời điểm để trước là tự bảo vệ mình, sau là hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang khách, đồng nghiệp và cả người thân, bạn bè của mình qua tiếp xúc nếu không may ủ bệnh. Hơn nữa, đeo khẩu trang phòng dịch tại thời điểm nhạy cảm này không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của cá nhân mỗi người đối với cộng đồng.
Đeo khẩu trang phòng dịch Corona thế nào là đúng cách?
Xin thưa là cái tâm làm nghề dịch vụ phục vụ khách đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều dân ngành như chúng tôi rồi. Bỏ qua một bộ phận rất nhỏ những cá nhân ích kỷ hay lo sợ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mà tìm lý do xin nghỉ ốm, nhà bận việc hay tỏ thái độ phân biệt đối xử với khách, đồng nghiệp đến từ vùng dịch hoặc có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh như ho, sốt, khó thở – thì phần đa Hotelier còn lại đủ bình tĩnh và trách nhiệm để phục vụ và làm hài lòng mọi vị khách đến với chất lượng chuẩn chỉnh nhất.
Bởi dịch bệnh thì không ai muốn, trong khi sự thật là nó đã và đang xảy đến, với chúng ta. Thay vì sợ hãi hay chùng bước, tại sao không đương đầu và tìm cách xử lý? Trước là cơ quan chức năng có thẩm quyền và nghĩa vụ. Sau là sự đồng lòng và tỉnh táo của toàn thể người dân, quyết không để bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai sự thật, làm hoang mang dư luận gây xáo trộn hoạt động của nhiều ngành nghề, tổ chức, bao gồm cả ngành du lịch Việt Nam khi mà lượng khách (cả quốc tế và nội địa) giảm mạnh – nhiều khách hủy tour, hủy phòng – các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch vắng khách – nhân viên làm việc trong trạng thái lo lắng, bất an… Thậm chí, có trường hợp khách sạn tại một thành phố nổi tiếng văn minh đã có hành vi đuổi khách, miễn đón tiếp khách Trung hay khách có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh…
Nhiệm vụ và trách nhiệm của nhân viên ngành dịch vụ khách sạn – nhà hàng & du lịch nói chung là phục vụ sao cho “vui lòng khách đến – hài lòng khách đi”, vì thế, mọi hoạt động, dù trong tình thế nào cũng luôn đảm bảo chất lượng dịch vụ đạt chuẩn. Ví như việc đeo khẩu trang giữa mùa dịch. Bên cạnh những vị khách đánh giá cao sự chuyên nghiệp của khách sạn về việc đặt biển thông báo, đồng thời giải thích lý do phát và khuyến khích cả khách và nhân viên cùng vui vẻ đeo khẩu trang phòng dịch trong khi phục vụ thì không ít khách khác mang cảm giác mặc cảm, vì họ nghĩ rằng mình đang bị phân biệt và cách ly ngầm. Một số ít khác, thường là khách lớn tuổi, hay khách đến từ nhiều vùng miền, quốc gia khác gặp khó khăn trong việc nghe hiểu lời nhân viên nói (khách nặng tai, nhân viên nói tiếng địa phương, sử dụng từ chuyên ngành…) khiến họ không hiểu được chính xác những gì cần nghe hiểu… Vì thế, tùy thuộc vào thực trạng khách và tình hình dịch tại mỗi nơi để cân nhắc ra các quyết định, thông báo phù hợp trong thời điểm nhạy cảm này là cực kỳ cần thiết và quan trọng, gây áp lực tâm lý cho các nhà quản trị.
Đó là điều chắc chắn. Bởi khách sạn không có nhân viên thì lấy ai phục vụ những vị khách khỏe mạnh, người chi trả phí dịch vụ và góp phần trả lương hàng tháng cho nhân viên? Hay khách du lịch đến các địa điểm nổi tiếng nhưng không có nơi lưu trú thì sao có thể qua đêm trong điều kiện thiếu thốn các nhu cầu cá nhân cơ bản? Cơ quan các cấp, các ngành đang nỗ lực dập tắt dịch bệnh – Công dân toàn cầu đang đồng lòng cầu nguyện và thực hiện đúng-đủ các hướng dẫn phòng dịch cơ bản nhất. Ai cũng phải mưu sinh, ai cũng có mưu cầu được sống và được hưởng thụ. Vậy nên, khi chưa có bất kỳ thông báo nào về mức độ nguy hiểm đáng báo động của dịch bệnh Corona từ Ban Quản lý khách sạn nói riêng hay Chính phủ, hy vọng, toàn thể dân ngành vẫn luôn “chân cứng đá mềm” vượt qua thời kỳ khó khăn và nhạy cảm này.
Không có gì phải hoang mang lo sợ. Việc của Hotelier quả cảm lúc này là vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ – sử dụng khẩu trang đúng cách, đúng thời điểm – vệ sinh cá nhân, nhất là tay theo hướng dẫn – ăn uống khoa học, ngủ nghỉ đủ giờ giấc để tăng sức đề kháng – thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân, khách, đồng nghiệp và người thân, nếu không may xuất hiện các dấu hiệu nghi nhiễm bệnh hãy chủ động cách ly, đồng thời đến cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời…
Chắc chắn rồi mọi chuyện sẽ qua và chúng ta sẽ lại vui vẻ, niềm nở phục vụ khách với nụ cười tươi chuẩn thương hiệu ngành.